Trưa hè vắng lặng, ở trong không gian trống trải xa quê, cửa kính kín bưng, văng vẳng trong đầu tui là những âm thanh quen thuộc. Tiếng rao khéo miệng “Ổi xá lị giòn ngọt đây, quẹo vô“… Thật ngạc nhiên, khi đi xa, những tiếng rao theo bước chân mình đến đây. Hình ảnh cô bán ổi thoăn thoắt khoét hai đầu quả ổi để bổ ra thành miếng, quét muối ớt lên khiến nước bọt chảy ra… nhưng trong tâm tưởng tui có một bế tắc. Đi đâu cũng sẽ không gặp lại hình ảnh như ở nhà, có những con người chân thật như thế, có những miếng ổi thơm và ngon như thế. Các nhà hàng dù có đặt quang gánh cũng không thể mang đến câu chuyện đời người, cuộc sống, món hàng sinh động như những người bán hàng rong. Tui không còn nhớ những thứ bài vở ở trường, nhưng những ấn tượng sâu sắc nhất lại là những thứ trong đời thường mà chỉ khi đã ở xa, không còn có nó mới biết là nó là những thứ quan trọng tạo nên quê hương trong mình. Đừng hủy hoại những phương thức giao tiếp người với người như thế trong thời đại điện tử và robot này. Cần phải tạo ra môi trường để có cảm xúc thật giữa con người với nhau. Cần phải duy trì tình người trong mọi hoạt động, mọi kế hoạch phát triển.
Ca trù, hát xẩm, chầu văn… được đánh giá, đề cao, đưa vào di sản văn hóa. Hò, vè, ca dao… trong lao động được đưa vào văn học để lưu truyền. Nhưng tiếng rao là hoạt động lao động chân chính của con người lại bị xóa bỏ bằng cái quyết định lắp đặt máy bán hàng tự động.
Để bán bằng máy tự động sẽ chỉ nên là mặt hàng có chất lượng đồng đều, bảo quản được lâu như bánh kẹo, cà phê uống liền, nước đóng chai hay lon… Bán trái cây là không thể thành công được. Hàng xấu, hỏng, héo sẽ không ai mua. Nó cứ ở trong máy. Bán hàng ế nên đầu tư xong thất bại rất nhanh.
Dẫu cho bán những món để được lâu như cái quạt, chiến nón, khăn quàng, đồ thủ công mĩ nghệ. Nhưng làm sao nó tải được giá trị văn hóa, truyền thống nếu chỉ là vài lời hoa mĩ trong tấm giấy đi kèm. Người bán hàng rong mang hẳn làng nghề của họ ở quê ra phố đến với khách du lịch, khách nước ngoài. Họ chuyển tải chân thật hoạt động làm ra món hàng từ nguyên liệu thô đến với khách.
Mua tại hàng rong khách còn có lời thêm bớt vài đồng xã giao, thăm hỏi người bán, nguồn gốc hàng hóa, làm thế nào, làm có khó không, muốn thử có được không… Giao tiếp thân thiện này là một nhu cầu tình cảm giữa người với người và với địa phương làm ra sản phẩm. Mua món hàng ở chị hàng rong là mua cả câu chuyện tạo ra sản phẩm đó ở ruộng vườn nhà quê Việt Nam. Khách nghe kể chuyện, biết nó được nâng niu như thế nào… Hàng rong mà mua táo Mĩ về bán chắc chắn thất bại thảm hại so với siêu thị. Nhưng hàng rong bán sản phẩm của chính gia đình họ làm ở vườn, của làng nghề… lại là ưu thế hơn hẳn.
Tiếp xúc với máy nhiều người ta mới thèm nghe người, tiếng rao hàng mỗi buổi sáng sớm, buổi đêm khuya. Tiếng gõ croc croc.. thành cả bài nhạc nghe vang từ xa đến gần rồi lại đi xa. Tiếng đàn ông rắn chắc “Tẩm quất, tẩm quất đây!“. Giọng phụ nữ thật dẻo quẹo ngân dài ra “Ai… chè đậu đen… nước dừa… đường cát…!“. Dù ở thành phố, quê hương trở nên thân thương bởi những tiếng rao, chứ không phải bởi tiếng động kim loại, bởi cái ồn ào của máy móc tự động, trò chơi ầm ĩ trong các khu thương mại hoành tráng. Nó lại giống như các nước giàu có, có gì để làm nên đặc trưng thuần Việt.
Hàng rong có cần bán rẻ để cạnh tranh với máy tự động? Không, cứ bán đúng giá. Người mua được chọn hàng, khác hẳn với việc mua bằng máy, khách buộc phải lấy cái mà máy nó đẩy ra. Hàng hư hỏng gì cũng phải lấy. Có tiêu chuẩn nào nói hư hỏng là thế nào đâu, có tiêu chuẩn để đổi hàng đâu, có ai đứng đó để đánh giá và đổi hàng cho khách đâu.
Một gánh hàng rong chỉ bán một hai món đặc trưng của mình. Người bán nâng niu món hàng của mình đến từng cành hoa, từng quả đu đủ vừa chín tới, quả na chuẩn bị nứt mắt,… Những sản phẩm cần phải chăm sóc kĩ lưỡng để không dập nát khi vận chuyển mà đến tay người tiêu dùng ngay sẽ phù hợp cho những hàng bán lẻ như hàng rong. Những gánh rau sạch mang từ nhà quê ra phố cũng mang cả tình người từ quê ra tỉnh. Thói quen mua rau hằng ngày các nhà dinh dưỡng luôn khuyến cáo thay vì mua hàng siêu thị phải bảo quản lâu, độc hại và mất chất. Hàng rong làm được việc này tốt nhất, tốt hơn siêu thị và chợ trời.
Hàng rong có đặc điểm linh động, di chuyển liên tục phù hợp với không gian đô thị cổ, đường hẹp, nhà thấp, san sát nhau, phố đi bộ nơi nội thành Hà Nội, phố cổ ở TPHCM. Thực ra, máy bán hàng tự động buộc phải cố định, có chỗ đặt máy, có chỗ cho người dừng chân mới là chiếm chỗ của con đường.
Có biết bao họa sĩ và nhiếp ảnh gia trong nước và nước ngoài đã chọn gánh hàng rong làm nhân vật của tác phẩm, làm chủ đề của mình. Nếu là một doanh nghiệp, họ sẽ khai thác khía cạnh này để thu hút khách du lịch thế giới. Phát triển du lịch của một doanh nghiệp to đến mấy cũng không bằng chiến lược phát triển du lịch của cả một vùng, một nước. Du lịch là ngành công nghiệp ít khói mang lại lợi nhuận trên chính hoạt động đời sống thường ngày thì còn gì bằng.
Cơ quan quản lí nên đặt câu hỏi cho các nhà chuyên môn về văn hóa, kinh tế, du lịch rằng làm sao nâng giá trị của từng loại hàng rong được bán trong khu dân cư và du lịch thay vì xóa bỏ bằng robot bán hàng. Các nhà quản lí xây dựng quy hoạch để phát triển hoạt động buôn bán nhỏ đầy tính nhân văn này để giúp mỗi gánh hàng rong phục vụ tốt cho con người trong đô thị và khách du lịch.
Ở Paris người ta phải xếp hàng nhiều năm mới có chỗ ra thành phố bán hàng trong các kiot ở các con đường lớn có khách du lịch – những người sẽ thích những thứ cổ điển, truyền thống.
Những chủ trương như thế này chính quyền nên tham khảo ý kiến người Việt ở nước ngoài. Họ biết những điểm đặc biệt, điều gì hấp dẫn ở những nền văn hóa khác nhau. Rất tiếc không có kênh liên lạc nào cho người ở nước ngoài. Thư gửi không có hồi đáp. Cơ quan nào coi trọng ý kiến Việt Kiều?
Là tui, Minh Hải đã cập nhật ngày 21/4/2022