Nhân việc thầy cô gọi học sinh là “con” ở trường học
Ba mức độ ngôn ngữ
Tui được học lớp tiếng Pháp với một cô giáo còn trẻ mà rất thân thiện. Cô chắc hẳn cũng thương cái lớp nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi, nhiều hoàn cảnh. Các bạn kể đến được Pháp là may mắn đã tránh được đạn bom ở quê hương chứ không phải đi máy bay như những người kết hôn rồi mới sang với chồng hay vợ. Có gia đình cả hai vợ chồng được đi học miễn phí nhưng cần có một người đi làm và người còn lại phải trông con. Cô cho phép cả học trò mang con vào lớp. Mọi người xúm vào dỗ mỗi khi bé khóc. Có hôm một bạn vội vàng, quên áo lạnh, cô cũng đưa cho. Có người đi học muộn, cô hỏi thăm. Có bữa một phụ nữ có bàn tay nhuốm màu đỏ, cô hỏi bị gì vậy. May mà chỉ là cô ấy ở nhà nấu món ăn truyền thống của đất nước. Cô giáo gần gũi gọi học trò là “tu”. Nhưng rồi một hôm cô kể bà hiệu trưởng phản đối, không cho phép cô được xưng hô như thế với học trò. Người Pháp kĩ lưỡng với tiếng Pháp.
Nhờ học tiếng Pháp tui biết rằng ngôn ngữ có ba mức độ rõ ràng, phân biệt ở cách dùng từ và đặt câu. Đó là:
- Phổ thông (bình dân, suồng sã, tầm thường),
- Chuẩn mực (hành chính, trịnh trọng),
- Tinh tế
Trong từ điển tiếng Pháp các từ ở mức phổ thông đều được ghi chú rõ ràng để trách sử dụng khi viết và nói trong các hoàn cảnh cần phải chuẩn mực. Trong sách dạy tiếng Pháp cũng có ghi chú và khi dạy trên lớp, thầy cô cũng có nhắc nhở rõ ràng 3 tầng bậc ngôn ngữ khác nhau.
Ngôn ngữ trong trường học là phải ở mức từ chuẩn mực tới tinh tế.
Tiếng Việt của chúng ta cũng thế, không nên để cái tầm thường thành chuẩn mực nếu chưa đánh giá mọi khía cạnh của nó.
Trong các đại từ nhân xưng, những từ thân mật được đưa vào từ điển với ghi chú ở mức phổ thông ::: familier và không được phép dùng trong văn bản hành chính. Ở tiếng Pháp cũng có đại từ “tu” tương tự, chỉ dùng trong xã giao ở mức thân mật. Trong trường học giữa thầy và trò có thể nói ở mức độ cá nhân, nhưng khi xuất hiện người thứ ba thì không, trong văn bản của nhà trường thì tuyệt đối không. Ai là người giữ cho “tu” không được xuất hiện trong văn bản? Hội đồng ngôn ngữ Pháp và quy định trong luật. Tiếng Việt có luật hóa việc được phép dùng từ « con » để gọi một người trong văn bản không?
Nếu ai đó giải thích rằng gọi con là để tạo mối quan hệ thân mật, chắc hẳn người đó chưa biết hệ thống mức độ ngôn ngữ ở trên. Những từ càng “thân mật” thì càng xứng đáng bị xếp vào nhóm từ “familier”. Đó là những từ phổ thông, bình dân, suồng sã, tầm thường chỉ nên dùng trong gia đình, giữa những người rất thân và tuyệt đối không được sử dụng trong văn bản chính thống. Nếu cho rằng mối quan hệ thầy cô và học trò ở nhà trường là có thứ bậc (thầy cô cao, học trò thấp) thì càng không nên sử dụng những từ suồng sã. Nếu cho rằng đó là mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau thì không nên có thứ bậc. Với chủ trương cảu giáo dục là lấy học sinh làm trung tâm, rõ ràng gọi học sinh là “con” hay viết thành văn bản “các con học sinh” là không phù hợp.
Một từ được chọn vào từ điển phải có giá trị trong đời sống xã hội và đạt được tiêu chuẩn của từ điển. Không phải cái gì có ngoài xã hội cũng được đưa vào vì từ điển có vai trò chọn lọc để phát triển ngôn ngữ lâu dài. Không nên đưa “các con học sinh” vào từ điển.
Vậy thì xưng hô trong công sở, ngoài xã hội thế nào?
Qua cách phân loại ba cấp bậc ngôn ngữ, thì cách nói theo thứ bậc quan hệ gia đình áp dụng vào mối quan hệ xã hội trở thành một cách nói thân mật. Cách nói thân mật đã tự tạo ra thứ bậc, quyền lực nên nó phá hỏng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong công việc như công chức với công dân, đồng nghiệp với nhau, người bán – khách hàng hay thầy cô – học trò,… Áp đặt mối quan hệ gia đình tại công sở, nó mặc định rằng người trẻ có trách nhiệm phải phục vụ người già giống như trong nhà. Người già có cơ chế tự nhiên để “sống lâu lên lão làng” giống như hệ thống lương của nhà nước.
Vậy nên phải dùng cách xưng hô xã giao lịch thiệp chuẩn mực trong tiếng Việt là gọi người đang đối thoại với mình là ông bà và xưng tôi trong các giao tiếp xã hội không được phép chen quan hệ gia đình vào. Những người liêm chính dù có là con cái của cha mẹ là cấp trên, trong công việc cũng sẽ xưng hô là ông bà với tôi, thay cho cha mẹ và con để tạo ra bình đẳng với người khác. Tất nhiên có nhiều người lạm dụng cha mẹ con cái, cô chú bác với cháu để tỏ ra là mình thân quen hơn so với người khác.
Tất cả các cách nói thân mật (phổ thông), trịnh trọng (chuẩn mực) và tinh tế đều phải có trong từ điển. Nhưng trong văn bản hành chính thì chỉ có cách nói chuẩn mực được sử dụng. Nó được quy định trong các điều luật về văn bản của nhà nước. Việt Nam cũng có và tui đang phải trích dẫn nó để nói chuyện với các nhân viên Đại Sứ quán.
Kết luận
Chúng ta tự hào là nước có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm, nhưng ngôn ngữ tiếng Việt ngày nay chỉ mới vài trăm năm. Phân tích nhiều khía cạnh của từ « con » là để hiểu rõ các cách xưng hô trong đời sống ở mối liên hệ với hệ thống từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt non trẻ của chúng ta ở tầng nghĩa nào, ở mức ngôn ngữ nào, có nên đưa vào từ điển để duy trì hay không.
Nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thuỵ Sĩ Charles Bally viết: “Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của ngôn ngữ ngày hôm nay”. Điều này có nghĩa là những cách nói sai hiện nay nếu không phê phán, quyết liệt ngăn cấm kịp thời thì sẽ trở thành những cách nói đúng trong tương lai! (để lâu câu sai hóa đúng)
Tui tin nếu các bạn đã từng biết đến ba mức độ ngôn ngữ bạn sẽ hiểu ra một lí do không nên gọi “con” trong trường học. (Đây là triết học khi chọn từ ngữ để dùng trong đời sống)
Hình: từ “Con” trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên. Đây là từ điển chuẩn, có chất lượng cao mà giới nghiên cứu ngôn ngữ học chuyên dùng.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Đức Dân. 2010. Để lâu câu sai hóa… đúng. https://ngnnghc.wordpress.com/2010/11/11/d%E1%BB%83-lau-cau-sai-hoa%E2%80%A6-dung/
Cám ơn bạn đã quan tâm đến chủ đề tiếng Việt và giáo dục qua bài viết này.
Là tui, Minh Hải đã cập nhật ngày 22/2/2022.