Pháp đã giảm hơn 5.700 giường nội trú, đồng thời tăng gần 1.400 giường bệnh ban ngày năm 2020, ngay trong dịch.
Thành phố cũ tui ở có một bệnh viện đại học, nơi tui sinh con. Tỉnh muốn xóa sổ giường bệnh tại đó, chuyển nhân lực về bệnh viện tỉnh lớn hơn xây lại và mở rộng ra. Năm đó, thị trưởng là ông bác sĩ gốc Việt, cha ông ấy cũng là bác sĩ (châm cứu). Ông thị trưởng phản đối và bệnh viện vẫn còn. Trong dịch, khuôn viên bệnh viện đã sửa xong phần lối vào và bãi đậu xe cá nhân vào cấp cứu. Chồng tui chích ngừa tại đó. Bác sĩ chọn địa điểm và loại thuốc và đặt hẹn giùm ngay vào buổi tư vấn có nên chích hay không. Tui không bệnh gì, tuổi còn trẻ, bác sĩ không làm giùm. Về nhà tui tự tìm được chỗ phải đi xa 30 phút.
Pháp thông qua luật hiện đại hóa hệ thống y tế từ năm 2016. Trong đó, chương trình tái cơ cấu hệ thống cơ sở y tế giảm giường nội trú tại bệnh viện, phân công lại nhân viên y tế đến các dịch vụ chăm sóc đặc biệt và phát triển chương trình điều trị ngoại trú đã nhiều năm nay. Hằng năm Pháp giảm vài ngàn giường nội trú. Họ chuyển sang giường bệnh bán trú hay chỉ nằm ban ngày rồi về ngay và họ lên chương trình chữa bệnh và theo dõi tại nhà. Bởi vậy chữa Covid tại nhà là phù hợp chủ trương lớn đó. Đồng hồ thông minh là một cách theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà.
Đại dịch
Khủng hoảng y tế và càng làm giảm mạnh sức chứa của bệnh viện. Dịch Covid-19 này làm giảm nhiều giường nội trú còn vì buộc phải giữ 1 phòng 1 giường thay vì 2 giường như bình thường để giảm lây nhiễm.
Họ có cơ chế thuận tiện cho người bệnh, giảm áp lực cho ngành y trong bệnh viện. Khi đã nhập viện là họ phải lo ăn uống, tắm rửa, thay giặt quần áo, uống thuốc… Tất cả nhờ vào các điều dưỡng và y tá. Cơ chế làm cho việc chống dịch chạy nhanh hơn rất nhiều, không phải suy nghĩ nhiều tại sao lại để người dương tính ở nhà khi mà số liệu của Trung Quốc từ hồi đầu năm 2020 đã cho thấy 80% người nhiễm không cần đến sự giúp đỡ của y tế. Họ tập trung ngay lập tức để chăm sóc 20% cần thiết.
Giảm giường nội trú, đi kèm với hệ thống chữa bệnh ngoại viện.
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế công bố này 29/9/2021, đã có 25 bệnh viện và phòng khám đã đóng cửa, 5.758 giường bệnh nội trú đã xóa sổ, đồng thời tạo ra 1.369 giường bệnh ban ngày, nâng tổng số giường loại này lên 80.089 trong năm 2020. Và vào cuối năm 2020, có 2.983 cơ sở y tế công và tư vẫn còn hoạt động (386.835 giường bệnh nội trú), theo Tổng cục Nghiên cứu, Đánh giá và Thống kê (Drees). [1]
Số lượng giường chăm sóc đặc biệt, thay đổi rất nhiều theo các đợt Covid, vào cuối năm 2020 đã tăng 14,5% (khoảng 6.200 giường). [1]
Đồng thời, tỷ lệ chữa bệnh tại nhà đã tăng mạnh, 10,8%, tương đương với 21.276 bệnh nhân có thể được điều trị đồng thời. Loại hình chăm sóc này đã chiếm 7% tổng khả năng giường nội trú (không bao gồm tâm thần), so với 2,1% vào năm 2006.
Luật về hiện đại hóa hệ thống y tế năm 2016
Hệ thống y tế cũ được tổ chức xung quanh bệnh viện, chú ý trong việc điều trị các đợt cấp tính của một bệnh. Nhưng nó trở nên quá phức tạp, quá phân mảnh khi phải chịu áp lực lớn về cung cấp dịch vụ chăm sóc lâu dài cho người già và người có bệnh mãn tính, thậm chí là tạo ra bất bình đẳng xã hội.
Hiện đại hóa đầu tư vào “chăm sóc ban đầu” đi kèm với “chuyển hướng ngoại trú ” ::: virage ambulatoire để phân loại dịch vụ chăm sóc tốt hơn. Chủ trương điều trị ngoại trú là phù hợp trong hoàn cảnh hạn chế về nhân sự ở cơ sở y tế.
Luật số 2016-41 ngày 26/1/2016 về hiện đại hóa hệ thống y tế của Pháp là một cuộc cách mạng, đặt bệnh nhân vào vị trí trung tâm của việc chăm sóc. Họ không còn là người phải thích ứng với hệ thống y tế mà là để hệ thống tự tổ chức để đáp ứng nhu cầu của họ. Bệnh viện không còn là trung tâm mà là một khâu trong công tác chăm sóc bệnh nhân. Chăm sóc sức khỏe không còn là từng khu riêng biệt: trong dân cư, tại bệnh viện, tại cơ sở y tế – xã hội… mà là một lộ trình chăm sóc toàn diện, có cấu trúc và liên tục, càng gần càng tốt. “dịch vụ chăm sóc ban đầu” đi kèm với “chuyển hướng ngoại trú”. [2]
Ba mặt đầu tư của cuộc cách mạng về y tế gồm:
- Về sức khỏe : liên kết giữa chăm sóc với phòng bệnh ở cơ sở y tế và xã hội và hỗ trợ của y tế-xã hội và xã hội (duy trì và trở về nhà) ;
- Về chăm sóc : cho phép
- Tiếp cận được với tư vấn sơ cứu (chuyên gia y tế và xã hội, cả ở trong khu dân cư và trong các cơ sở y tế, cơ sở y tế – xã hội và xã hội, tại phòng khám tư nhân…) và
- Đến được các cơ sở chăm sóc khi cần thiết: nhập viện theo kế hoạch hoặc cấp cứu, khám chữa tại nhà (HAD), chăm sóc theo dõi và chăm sóc phục hồi chức năng (SSR), chăm sóc lâu dài (USLD) và cơ sở lưu trú cho người già phụ thuộc (ở VN gọi là viện dưỡng lão) (EHPAD)
- Về cuộc sống, xem xét con người trong môi trường của họ: gia đình và người thân, trường học, phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp, tái hòa nhập, nhà ở…[2]
Hệ thống y tế ở VN vẫn bế tắc với hình thức cũ
VN đi ngược xu hướng thời đại. Xét nghiệm PCR quá tải, lấy hàng trăm ngàn mẫu một ngày, trong khi năng lực xét nghiệm chỉ vài chục ngàn mẫu mỗi ngày [3]. Chuyển sang xét nghiệm nhanh, TPHCM đạt kỉ lục 1 triệu mẫu mỗi ngày, vượt mặt xét nghiệm của cả nước Pháp. Mục tiêu xét nghiệm đại trà, tần suất cao để tìm ra càng nhiều ca dương tính càng tốt… để làm gì?
Và chúng ta đưa hết người dương tính vào bệnh viện là đúng với tầm nhìn của chính mình, trong khi bệnh viện quá tải từ khi chưa có dịch. Quá tải tất cả mọi mặt, từ giường, nhân viên, thiết bị đến thuốc. Không thể đưa hết ca dương tính vào bệnh viện thì bệnh nhân ngoại viện thiếu hẳn cơ chế để kết nối với y tế. Chết vì cả bệnh dịch và cả bệnh khác. [3]
Tài liệu tham khảo
- Le Monde. Plus de 5 700 lits d’hospitalisation complète fermés en France en 2020, en pleine pandémie de Covid-19. lemonde.fr
- Ministre des solidarités et de la santé. Parcours de santé, de soins et de vie. Une approche globale au plus près des patients. solidarites-sante.gouv.fr.
- Tuổi trẻ. Bí thư Nguyễn Văn Nên: TP đã áp dụng biện pháp khẩn cấp nhưng không tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp’. https://tuoitre.vn/