Thay vì phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm đại trà cần phải tập trung toàn lực vào chữa trị người bệnh, giảm tử vong. Cần tập trung vào hướng dẫn tự chữa bệnh cho người ở nhà, điều trị bệnh nặng ở bệnh viện, hệ thống chẩn đoán, nhập viện và chuyển viện nhanh nhất. Đó đang là khâu yếu nhất góp phần gây ra tử vong hàng trăm người mỗi ngày hiện nay.
Chúng ta cần trả lời được câu hỏi sau trước khi thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm đại trà.
- Có bao nhiêu ca dương tính giả, âm tính giả khi thực hiện xét nghiệm đại trà tới hàng triệu xét nghiệm? [1, 2]
- Có bao nhiêu người đã có kháng thể nghĩa là đã bị nhiễm virus ? Các nước đã nghiên cứu là có tới 20 – 30 lần con số dương tính xác định. TPHCM ước tính mỗi ngày có 4.000 x 20 = 80.000 ca nhiễm thực tế.
Vùng xanh
- Xét nghiệm đại trà để lập “vùng xanh” để phong tỏa nghiêm ngặt nội bất xuất ngoại bất nhập rồi sao? Những người bên trong vùng khi xét nghiệm âm tính sau vài ngày phát triển đủ số lượng virus sẽ chuyển sang dương tính. Rồi sao nữa?
- Xét nghiệm đại trà, tìm ra người dương tính, bóc tách hết ra khỏi ngôi nhà của họ với số lượng 80 ngàn ca một ngày chỗ đâu để chứa?
- Cái gì xác định không lây nhiễm vào vùng xanh? Sản xuất và phân phối nhu yếu phẩm cho cả thành phố gần 10 triệu dân như thế nào để không lây nhiễm? Cái gì đảm bảo quá trình đó không có con virus nào? Trong khi đó, nghiên cứu đã chỉ ra giao hàng tại nhà làm tăng nguy cơ lây nhiễm lên 94% [3]
- Xét nghiệm tiếp, bóc tách tiếp, xét nghiệm và bóc tách tiếp… Vùng xanh vẫn mãi xanh nhưng bên trong còn người không?
- Phong tỏa nghiêm ngặt 2 tuần hay 4 tuần hay 2- 3 tháng nữa? Tui dự đoán là phong tỏa nghiêm ngặt cho tới khi chích ngừa xong TPHCM là cái mốc 15/9 đó. Cái giá của phong tỏa là bao nhiêu? Bao nhiêu người đã chết vì tất cả các nguyên nhân? Bao nhiêu người mất sạch tiền bạc, nghề nghiệp và tương lai?
Vùng đỏ thì sao?
Đường ra bị rào kẽm gai như chiến tranh. Người già neo đơn vẫn phải ra đường để đi mua gạo, đồ ăn, thức uống, đồ dùng, không có đủ người giúp đỡ.
Có người già phát triệu chứng, y tế phường quá tải không cho xét nghiệm khẳng định, gia đình phải thuê dịch vụ tư. Bệnh nhân chuyển nặng, điện thoại cho y tế phường, 5 ngày không hề hồi đáp. Không có xe chuyển viện, chuyển viện không có oxi, không có bệnh viện tiếp nhận, đến bệnh viện rồi chờ tiếp nhiều giờ…
Câu hỏi đặt ra là
- Có bao nhiêu người đã chết liên quan Covid-19 mà chưa từng nằm trong danh sách của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC)?
- Có bao nhiêu người không hề tiếp cận với y tế khi đã dương tính?
- Có bao nhiêu người chờ xét nghiệm PCR khẳng đinh không kịp và không được tiếp cận với y tế phường (có người đã phải ra đi) mà các bác đổ lực lượng và tài nguyên ra xét nghiệm đại trà
- Có bao nhiêu người chuyển nặng chờ oxi, chờ xe cứu thương, chờ chỗ trong bệnh viện mà không có?
Chấp nhận lây nhiễm
Không xác nhận được khi nào thì dỡ bỏ phong tỏa, không xác định được thất bại trong chiến dịch này thì làm sao tiếp, chúng ta đang lúng túng trong chiến lược chống dịch. Chúng ta đang vướng vào vòng luẩn quẩn giãn cách, phong tỏa, xét nghiệm đại trà, chuyển vùng đỏ thành vùng xanh rồi lại giãn cách, vùng xanh chuyển đỏ, cách li, phong tỏa, xét nghiệm đại trà, đỏ chuyển xanh… mãi không ra.
Không chỉ TPHCM, còn Bình Dương, Long An, Đồng Nai… mấy chục tỉnh thành đó cần phong tỏa bao nhiêu tháng để chích ngừa? Nếu không chấp nhận lây nhiễm ở một mwusc độ mà hệ thống y tế có thể tiếp cận tới mọi người có triệu chứng mà vẫn chú trọng thành tích “vùng xanh” thì không bao giờ dỡ bỏ được phong tỏa?
Pháp dù chích ngừa xong 70% cũng có vài 20 tới 30 ngàn ca mỗi ngày và nhờ đã chích ngừa chỉ còn 50-100 ca tử vong mỗi ngày như một bệnh bình thường khác [4]. Rõ ràng vài trăm ca tử vong của chúng ta ở Việt Nam mỗi ngày là do ba bốn tháng trước đã không chích ngừa đúng đối tượng.
Phương pháp luận sai không phương pháp nào làm cho kết quả đúng được.
Tập trung mọi nguồn lực vào nền y tế quá tải để cứu người.
Thay vì phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm đại trà cần phải tập trung toàn lực vào chữa trị người bệnh, giảm tử vong. Tập trung vào hướng dẫn tự chữa bệnh cho người ở nhà, điều trị bệnh nặng ở bệnh viện, hệ thống chẩn đoán, nhập viện và chuyển viện nhanh nhất. Đó đang là khâu yếu nhất góp phần gây ra tử vong hàng trăm người mỗi ngày hiện nay.
Tài liệu tham khảo
- TS. Nguyễn Hồng Vũ. Xét nghiệm diện rộng Tp.HCM, nên cân nhắc lại! “lợi bất cập hại”. 8/2021. https://www.facebook.com/100000131410129/posts/4821978547816478/
- TS. Nguyễn Hồng Vũ. Sàng lọc COVID-19 toàn dân – “lợi bất cập hại”. 7/2021. https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4685523484795319
- Facteurs de risque d’exposition au virus pendant le confinement. https://urgences-serveur.fr/covid-19-mise-au-point.html#Mesures-de-Confinement-deconfinement
- COVID-19 : chiffres clés et évolution – Santé publique France. ( santepubliquefrance.fr)