ATMT Trẻ em Các nguyên tắc giáo dục Bài học ba bước (2) - Chú ý khi thực hiện

Bài học ba bước (2) – Chú ý khi thực hiện

Trần Minh Hải,

Bài học ba bước

Chú ý khi thực hiện bài học ba bước

  • Đây là một bài học từ vựng ở giai đoạn đơn giản.
  • Bài học này thực hiện với từng trẻ một.
  • Không nên đưa ra nhiều hơn ba từ và với ba đồ vật. Hai vật thì quá ít, năm hay sáu thì quá nhiều.
  • Kiểm tra rằng trẻ đã biết tới các đồ vật này trước khi bắt đầu vào bài học.
  • Chỉ đặt lên bàn những đồ vật mà chúng ta muốn trẻ học từ vựng để trẻ chú ý hoàn toàn vào chúng mà thôi.
  • Bài học này được dùng nhiều trong cảm quan, giải thích về khái niệm trừu tượng, nhưng cũng dùng để học về toán và ngôn ngữ. Có thể đưa ra các khái niệm về chất lượng vật liệu (màu sắc, kích thước, hình dạng, độ nhám, kết cấu…), so sánh (to, nhỏ, dài nhất, ngắn nhất, nóng, ấm, lạnh… ).

Bước 1. Giới thiệu :: introduction ::: nomenclature là bước liên kết nhận thức một sự vật (hay hiện tượng) với tên gọi hay khái niệm về nó. Người lớn phát âm rõ ràng tên của từng vật một trước mặt trẻ.

  • Lời giới thiệu nên ngắn gọn, nói rõ ràng, nhấn mạnh vào từ trẻ cần học.
  • Người lớn nên bình tĩnh khi giới thiệu tên, nói chậm rãi.
  • Vừa nói vừa chỉ vào vật.
  • Bắt đầu với danh từ và tính từ. Ví dụ, « đây là màu xanh », hoặc “thế này là mượt”, “thế này là nhám”,….
  • Có thể mời trẻ phát âm từ mới.


Céline Alvarez. 2017. Couleurs 1.
Bước 2. Trải nghiệm :: experience ::: expérience là bước trẻ nhận ra vật có liên hệ với tên gọi của nó. Người lớn đưa ra cái tên và trẻ nhận ra tên này ứng với vật nào trong số ba vật trước mặt. Người lớn giúp trẻ tạo ra mối liên hệ giữa kinh nghiệm đã có của trẻ về vật thật và cái tên : từ vựng này có liên hệ với một khái niệm. Thực hiện việc này dưới dạng hướng dẫn đơn giản luôn chứa cái tên trong câu nói. Giới thiệu thế này kích hoạt cả thể chất và tinh thần của trẻ trong khi sử dụng ngữ âm của bài học. Trẻ phải nhớ lại kinh nghiệm và liên hệ nó với điều mới học : cái tên. Có khi từ vựng không phải là mới vì trí tuệ hấp thu đã hấp thu cái tên rồi, vào lúc này cái mới là mối liên kết giữa từ vựng và khái niệm mà nó đại diện.

  • Bước này phải kéo dài đủ lâu để trẻ xây dựng lòng tự tin.
  • Trải nghiệm lặp lại nhiều lần để cái tên cố định vào tâm trí trẻ.
  • Bước này tổ chức dưới dạng trò chơi và có thể thay đổi trò chơi, nhưng không quá khó để trẻ không thể thành công. Có thể chỉ cần yêu cầu trẻ chỉ ra vật ứng với tên, như « đâu là màu đỏ », hay di chuyển vật, như « đưa mẹ màu đỏ » hay « đặt màu lam ở đây » hay cũng có thể là « con cầm cái màu vàng lên», đổi chỗ các vật trước khi hỏi…
  • Trẻ có thể làm sai là bình thường vì trẻ còn đang học! « Con làm được rồi. Yêu quá! »
  • Nếu trẻ đã đủ tự tin người lớn có thể tăng tốc độ trò chơi.
  • Nếu trẻ không tập trung, không muốn chơi, trẻ mắc nhiều lỗi, nghĩa là trẻ chưa trải nghiệm đủ với vật, trẻ chưa sẵn sàng, chúng ta dọn đi, và sẽ thử lại vào một ngày khác.
  • Người lớn không được sửa trẻ vào lúc này. Nếu nói « không, con sai rồi » thì sẽ tác động tới tinh thần của trẻ hơn là từ vựng trẻ nên học. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ im lặng khi trẻ làm sai, nhận thức của trẻ không bị tổn thương và bài học lần tiếp theo sẽ tác động chồng lên bài học lần đầu tiên.

Bước 3. Nhớ từ vựng :: naming ::: rappel verbal là bước trẻ nhớ được tên gọi với vật tương ứng. Bước này kiểm tra nhận thức của trẻ. Người lớn hỏi trẻ để trẻ gọi tên khái niệm hay vật mà bé đã được học ở bước đầu tiên.

  • Chỉ thực hiện bước thứ ba khi chắc chắn trẻ đã sẵn sàng, chắc chắn thành công. Khi trẻ làm chủ được một kiến thức, kĩ năng, trẻ trở nên mạnh mẽ hơn, thành thục hơn, độc lập hơn và muốn học tiếp.
  • Giúp trẻ thành công : bài học ngắn gọn, đơn mục tiêu, chơi vui vẻ.
  • Cho trẻ lặp lại nhiều lần để chắc chắn là trẻ đã nhận thức về điều được học.
  • Nếu bé có lỗi phát âm đây là lúc trẻ tự sửa lỗi phát âm.
  • Ban đầu nên hỏi theo cách « Con có nhớ cái này gọi là gì không ? », tránh hỏi « Đây là cái gì ? » vì khiến trẻ dễ bị thất bại. Lặp lại từ đầu vào ngày khác khi trẻ không thành công ở bước thứ ba.mma

Tài liệu tham khảo

  1. Maria Montessori. Pédagogie scientifique. Tome 1. La découverte de l’enfant. Paris. 2016. Chapitre La Maitresse. https://livre.fnac.com/a12820740/Maria-Montessori-La-decouverte-de-l-enfant
  2. Maria Montessori. Khám phá trẻ thơ. Chương Người thầy. Phần bài học ba bước. Nhà xuất bản Tri thức. 2016.
  3. http://montessoripyreneesatlantiques.weebly.com/uploads/5/6/0/3/56032079/projet_educatif_(francais_english).pdf
  4. Céline Alvarez. Les lois naturelles de l’enfant https://www.celinealvarez.org/affinement-des-sens/introduction

Là tui, Minh Hải đã cập nhật 10/4/2021.

Hướng dẫn trích dẫn hay phát hành lại bài viết và hình ảnh của An toàn Môi trường

Bài liên quan

Trẻ em - Chủ đề

Trẻ em - Bài mới

Giáo dục vì hòa bình

304FansLike
0SubscribersSubscribe
Mon jeu préféré : Tamashido AvancéTamashido - la voie des billes

An toàn Môi trường