Nhằm giảm tử vong trong dịch COVID-19, vaccin là thuốc của người già và người có bệnh nền nhưng cần phải chích sớm, trước khi nhiễm bệnh Virus Sars-CoV-2.
Giải pháp cứu người trong đại dịch lúc này là chích ngừa cho người già (từ 65 tuổi trở lên) và người có bệnh nền từ 50 tuổi trở lên KHẮP CẢ NƯỚC, không phải miễn dịch cộng đồng cục bộ.
Đặc điểm các ca tử vong ở Việt Nam
Dữ liệu tuổi và bệnh nền của 138 ca tử vong đầu tiên ở Việt Nam tính tới ngày 15/7/2021 mô tả trong các biểu đồ sau đây.
Đặc điểm tử vong liên quan covid của VN cho thấy tử vong ở người lớn tuổi (88%) và người có bệnh nền (92%). [1]
Tình hình hiện tại, ngày 27/7/2021, trong bệnh viện có 211 ca đang nằm giường hồi sức cấp cứu (ICU) 17 ca nguy kịch đang chạy tim phổi nhân tạo (ECMO). [2]
Vào được bệnh viện cũng khó cứu
Paris, tháng 4 năm 2020, một bác sĩ Việt Nam thực tập tại khu hồi sức cấp cứu đã phản ánh bệnh viện quá tải, lệnh thay đổi hằng ngày. Bệnh viện đã từng buộc phải không ưu tiên đối với người già trên 80 tuổi khi cứu bệnh nhân ở phòng hồi sức cấp cứu.
Nếu không quá tải, người nguy cơ tử vong cao nhất là người có hệ miễn dịch kém (người già, có bệnh nền) nếu nhiễm virus corona mà có vào được đến bệnh viện cũng khó cứu khi bệnh này chưa có thuốc chữa mà chỉ là hỗ trợ điều trị triệu chứng. Cách cứu hiệu quả nhất là tăng cường miễn dịch với virus SARS-CoV-2 này trước khi bị nhiễm. Đó là tiêm chủng.
Hiệu quả của vaccin
Vaccin có hiệu quả giảm số ca có triệu chứng [3]
- Vaccin Comirnaty® (Pfizer) và Spikevax® (Moderna) : giảm trên 90 % sau hai liều;
- Vaccin Vaxzevria® (Astrazeneca):
- Giảm trên 80 % ca có triệu chứng khi khoảng cách giữa hai liều là 12 tuần ;
- Giảm trên 90% dạng nặng từ 28 đến 34 ngày sau khi chích liều thứ nhất;
- Vaccin Janssen® (Johnson & Johnson) sau một liều duy nhất
- Giảm 65% ca có triệu chứng
- Giảm 75 % dạng nặng
- Giảm 90% ca phải nhập viện.
Những vaccin này giảm tần suất nhiễm không triệu chứng với virus SARS-CoV-2 và do đó giảm rủi ro lây truyền bởi người đã được chích ngừa.
Thời gian bảo vệ nhờ chích các loại vaccin này hiện được ước tính là ít nhất 6 tháng.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran thông báo ở 30 bệnh viện lớn của Pháp 100% bệnh nhân nhập viện nằm giường chăm sóc đặc biệt gần đây chưa tiêm chủng và 93% bệnh nhân nhập viện chưa tiêm chủng [4] do biến thể Delta gây lây nhiễm nhanh hơn virus gốc.
Giải pháp chích ngừa
Hiệu quả chủng ngừa đã rõ. Vậy phải chích ngừa từ trước khi nhiễm cho người có nguy cơ tử vong cao! Đó là cách giảm tải bệnh viện, giảm nhập viện, giường bệnh nặng, đặc biệt là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu (ICU). Do đó vaccin làm giảm tử vong, giảm đau thương trong xã hội.
Cần thời gian để cơ thể tạo kháng thể sau khi tiêm chủng, cần một khoảng thời gian giữa hai mũi thuốc để đạt hiệu quả tạo kháng thể cao và phù hợp với chiến lược tiêm chủng. Thời gian có hiệu quả sau khi chích ngừa ứng với từng loại vaccin như sau:
- Vaccin Vaxzevria® (Astrazeneca): 11-14 tuần gồm 9-12 tuần khoảng cách giữa hai mũi tiêm + 2 tuần sau mũi thứ hai.
- Vaccin Comirnaty® (Pfizer): 5-9 tuần gồm 3-7 tuần khoảng cách giữa hai mũi tiêm + 2 tuần sau mũi thứ hai.
- Vaccin Spikevax® (Moderna): 6 tuần gồm 4 tuần khoảng cách giữa hai mũi tiêm + 2 tuần sau mũi thứ hai
- Vaccin Janssen® (Johnson & Johnson): 4 tuần sau một liều duy nhất
[5]
Để cứu người có nguy cơ tử vong cao nhất cần chích ngừa trước khi nhiễm từ 4 tuần tới 14 tuần tùy loại vaccin, không phải cứ chích ngừa xong là giảm tử vong ngay. Vì vậy phải chích ngừa người có nguy cơ tử vong cao sớm nhất có thể.
Lây nhiễm không cản được
Giải pháp cách li “ba tại chỗ” dù kèm với xét nghiệm âm tính rồi mới được đi làm, lây 83% nội bộ. [6]
Phong tỏa (cách nói của VN là “giãn cách”) nếu có thể thì chỉ làm chậm lây lan. Hơn nữa biến thể Delta gây lây lan nhanh, cả thế giới chuẩn bị làn sóng thứ tư. Không có gì đảm bảo không lây lan cho nhóm người có nguy cơ tử vong cao nhất. Cách tốt nhất cứu họ là chích ngừa sớm nhất có thể.
Tóm lại
Dịch đã gây chết nhiều người, lây ra nhiều tỉnh thành, không thể nhằm mục đích miễn dịch cộng đồng chỉ một tỉnh, không thể tiêm chủng tất cả 16 nhóm cùng lúc trong điều kiện khan hiếm vaccin. Để tập trung mục tiêu giảm tử vong, phải chích ngừa cho nhóm có nguy cơ cao nhanh nhất trên toàn quốc.
Tài liệu tham khảo
[1] Tử vong liên quan COVID-19 ở Việt Nam
[2] Tối 27/7: Thêm 5.149 ca mắc COVID-19, nâng tổng số mắc trong ngày lên 7.913 ca (suckhoedoisong.vn) https://suckhoedoisong.vn/toi-27-7-them-5149-ca-mac-covid-19-nang-tong-so-mac-trong-ngay-len-7913-ca-n198385.html
[3] COVID-19 | Vaccination Info Service (vaccination-info-service.fr) https://vaccination-info-service.fr/Les-maladies-et-leurs-vaccins/COVID-19
[4] https://twitter.com/olivierveran/status/1415031278366298116?lang=en
[5] Covid 19 https://www.mesvaccins.net/web/diseases/57-covid-19
[6] Nhà máy tổ chức 3 tại chỗ phát hiện gần 250 ca nghi nhiễm. https://vnexpress.net/nha-may-to-chuc-3-tai-cho-phat-hien-gan-250-ca-nghi-nhiem-4331329.html
Là tui, Minh Hải đã cập nhật ngày 27/7/2021