Sự vâng lời liên quan đến tâm lí sẵn sàng và thực tế khả năng hoàn thành công việc. Những việc ngoài khả năng lứa tuổi thì trẻ không thể vâng lời, không gọi là không vâng lời được. Trẻ chưa biết bò lết thì không thể gọi là không vâng lời khi yêu cầu trẻ đi đến nơi để lấy đồ chơi.
- Cấp độ 1. Trẻ dưới 3 tuổi không có khả năng vâng lời. Vì trẻ ở tuổi này đang bắt đầu xây dựng những cơ chế nhân cách cho bản thân một cách vô thức. Trẻ chưa thể điều khiển nhân cách phục vụ mục đích cá nhân. Trẻ hành động tự phát theo những thôi thúc nội tại (vốn không theo kỉ luật) nên chỉ làm đúng hành động người lớn mong muốn, nghĩa là vâng lời, khi yêu cầu của người lớn trùng với nhu cầu của bé. [1] Tương tự ở người lớn, khi đang lên cơn giận mất hết ý thức mà hành động theo tiềm thức và vô thức mà thôi.
Sau 3 tuổi trẻ cần xây dựng một số năng lực trước khi trẻ có khả năng làm theo ý muốn của người khác. Trẻ cần có thời gian. Có khi trẻ thực hiện được, có khi không thể làm được theo yêu cầu của người khác. Tương tự ở một người trưởng thành, khi chưa thực sự thành thạo nghề thì có thể bất ngờ làm được một sản phẩm đẹp, nhưng không thể lặp lại lần thứ hai ngay sau đó. Chỉ khi đã thành thạo rồi, người ta mới dễ dàng lặp lại thành tích cũ. Trẻ chưa làm chủ hành động của mình, chưa có ý thức trẻ sẽ không thể làm theo ý của người khác, trẻ có thể vâng lời 1 lần rồi thôi. Trẻ không hiểu tại sao phải vâng lời. Trẻ vâng lời do tác động bên ngoài, chứ không phải từ bên trong của trẻ.
- Cấp độ 2. Trẻ có thể luôn vâng lời, là khi trẻ không còn bất cứ cản trở nào trong quá trình phát triển, trẻ có khả năng kiểm soát chính mình. Trẻ có thể hiểu ngôn ngữ của người khác và điều khiển mình làm theo yêu cầu của người khác. Tuy nhiên trẻ mù quáng vâng lời mà không thắc mắc. Sự vâng lời này do nguồn tác động của bên ngoài chứ không phải từ nội tâm. [1]
Giáo dục ở trường thường thoả mãn với mức độ vâng lời này. Trường lớp và gia đình mà thoả mãn với cấp độ thứ hai của sự vâng lời, nghĩa là trẻ nghe lời không thắc mắc. Điều đó dẫn tới nguy cơ là trẻ nghe lời bất cứ người nào, kể cả người lạ, người xấu. Mọi giải pháp bẻ gẫy ý chí, làm cho trẻ vâng lời mà không qua giai đoạn phát triển năng lực, không phát triển ý thức (bạo lực, kỉ luật, tiềm thức…) khiến trẻ không phát triển. - Cấp độ 3. Trẻ đáp ứng ngay đầy nhiệt tình những yêu cầu của người khác. Khi trẻ đã tự mình thực hiện tốt thì trẻ tìm thấy hạnh phúc đơn giản là vì mình có thể vâng lời. Trẻ đã phát triển ý chí của mình. Nhưng tự lựa chọn làm theo ý muốn của người khác là một biểu hiện của sự kính trọng, thừa nhận tài giỏi của người đó. Việc vâng lời xuất phát từ đáy lòng, do sự thúc đẩy từ bên trong – khao khát làm điều đúng đắn. Nó làm trẻ tự hào và hài lòng. Montessori gọi đó là « sự vâng lời vui vẻ ». Khi người lớn đề nghị trẻ, trẻ có thể nhìn thấy giá trị trong lời đề nghị đó, trẻ sẽ đáp ứng ngay. Ở cấp độ này, trẻ tự lựa chọn hành vi thích hợp cả khi không có mặt người lớn. Trẻ đã phát triển một mức độ tôn trọng bản thân. Điều đó khiến trẻ tôn trọng quyền lợi và nhu cầu của người khác. [1]
Để vâng lời, trẻ phải phát triển ý chí mạnh mẽ trước. Ý chí là nền tảng, vâng lời là giai đoạn phát triển thứ hai. Trẻ có quyết định làm theo ý muốn của người khác thể hiện lòng kính trọng, sự thừa nhận tài năng của người đó – thứ khiến trẻ tự hào và hài lòng với bản thân. Trẻ ngưỡng mộ người nào thì trẻ có thể vâng lời người đó. Trẻ vâng lời có ý thức và do ý chí điều khiển. [1]
Trẻ vui vẻ sẽ dễ dàng hợp tác, vâng lời. Khi trẻ thoả mãn với những hoạt động phù hợp với nhu cầu của bản thân, trẻ sẽ tự nguyện vâng lời, nhưng đồng thời có hiểu biết và chỉ vâng lời người mà trẻ nể phục, chỉ làm việc mà trẻ cho là đúng. Vì vậy, người lớn chỉ làm việc đúng, trẻ sẽ hấp thu được điều này.
Liên kết chọn lọc
Sách
- Adam Khoo. Con cái chúng ta đều giỏi.
- Adele Faber, Elaine Mazlish. Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói.
- Adele Faber, Elaine Mazlish. Parler pour que les enfants écoutent, écouter pour que les enfants parlent. https://livre.fnac.com/a9293986/Adele-Faber-Parler-pour-que-les-enfants-ecoutent-ecouter-pour-que-les-enfants-parlent
Tài liệu tham khảo
- Maria Montessori. 1949.The absorbent mind :: Trí tuệ hấp thu. https://livre.fnac.com/mp4588894/Absorbent-Mind
- Maria Montessori. L’esprit absorbant de l’enfant. https://livre.fnac.com/a1769122/Maria-Montessori-L-esprit-absorbant-de-l-enfant
Cập nhật: 20/12/2016.